Con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu là một đề tài bí ẩn. Kiếp sống mỗi con người ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Cho dù người đó muốn hay không muốn cũng phải trải qua. Từ cổ chí kim, từ thời vua chúa đến bây giờ, không một ai thoát khỏi cái chết.
Chúng ta, ai cũng trải qua những giai đoạn nêu trên, nhưng có giây phút nào chúng ta chạnh lòng tự hỏi: "Mình là ai, từ đâu đến và sẽ về đâu khi một ngày nào đó mình chết đi?" hay bứt rứt vì câu: "Tại sao con người lại có mặt trên thế gian này để một ngày nào đó con người lại phải chết. Chết là chấm dứt là biến mất khỏi thế gian này, hay còn có một nơi nào khác để người chết trở về ?". Để tìm câu trả lời đó, xin mời bạn hãy cùng lamnguoi.net đi tìm câu trả lời con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu. Xin mời bạn hãy đọc tiếp.
1. Khái quát bốn giai đoạn sinh lão bệnh từ của kiếp người
Để tìm hiểu một cách sâu sắc nhất và đầy đủ nhất về đề tài mà rất rất nhiều người quan tâm về con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu thì trước hết chúng ta phải hiểu về chu kỳ bốn gia đoạn của đời người là sinh lão bệnh tử. Chúng ta ai ai cũng được sinh ra bởi cha mẹ mình để chào đời, để đến thế giới này và bắt đầu một hành trình làm người. Ở giai đoạn lúc mới sinh ra này, chúng ta chưa biết suy nghĩ, chưa biết phán đoán. Chỉ cười khóc theo bản năng đòi hỏi của cơ thể, và em bé thường được Cha Mẹ đáp ứng đầy đủ. Kế đến, nếu may mắn được sinh trong gia đình khá giả các em được cắp sách đến trường. Nếu không may sinh ra trong gia cảnh nghèo nàn, khó khăn, dù còn rất nhỏ, ngoài giờ học ở trường các em vẫn phải bương chải ra ngoài xã hội kiếm sống phụ với gia đình. Đó là chưa nói có rất nhiều em phải nghỉ học nửa chừng hoặc không được đến trường vì Cha Mẹ không có khả năng tài chánh. Thời gian này nỗi khổ đã hiện diện trong cuộc đời của người trẻ dù được sanh trong gia đình giàu hay nghèo.
Kế tiếp về bốn giai đoạn sinh lão bệnh tử của kiếp người là giai đoạn của người lớn, lập gia đình, sinh con đẻ cái, làm việc quần quật kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi dạy con thơ cho đến khi chúng trưởng thành. Cuộc sống gia đình có lúc vui vẻ hạnh phúc nhưng đa phần trải qua những phiền não lo âu từ trong nhà ra ngoài cộng đồng xã hội. Thời gian này con người sống trong căng thẳng vì lúc nào cũng nỗ lực, bon chen tranh đấu... hết sức của mình. Có thể những nỗ lực đó là để hướng tới một mục đích cao thượng, cũng có thể là vì tham vọng muốn được sự giàu sang về tài sản và danh lợi cho bản thân mình, gia đình mình. Cứ vậy mà diễn tiếp, chúng ta cũng không biết lúc nào dừng và cũng không có thời gian để suy nghĩ về con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu, mà luôn mãi tranh đấu cho dự nghiệp. Dù mục đích tốt hay xấu, ít người nào chịu dừng lại ở một mức độ nào đó, bởi tiền tài danh vọng nhiều bao nhiêu cũng không lấp đầy túi tham của lòng người.
Rồi tuổi già đến lúc nào không hay, bệnh hoạn kéo tới hoành hành thân xác. Có nhiều người mang căn bệnh thể xác kéo dài dù tuổi đời rất thọ, có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại đột quỵ sớm.
Và cái gì đến rồi sẽ đến, khi bệnh tật lần lượt kéo đến, chúng ta nằm một chỗ thoi thóp thở. Đến lúc thở hơi ra, mà không hít vào được nữa, thì trở thành một cái xác bất động, cứng đờ, lạnh lẽo, vô tri giác. Lúc bấy giờ những người xung quanh dù không muốn cũng đành phải tuyên bố là người đó đã "chết" rồi, đã "mất" rồi! Khi nắp quan tài đậy lại, từ giây phút đó trở đi, không ai còn thấy người đã "chết" rồi, đã "mất" kể từ giây phút đó. Chúng ta có hiểu được con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu không? Hoàn toàn không biết, và cứ thế cứ thế tiếp tục chu kỳ mới.
2. Các quan điểm khác nhau về con người từ đâu đến, chết rồi đi về đâu
Đã từ lâu, rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đi tìm câu trả lời con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu. Hôm nay lamnguoi.net xin sơ lược qua các giả thuyết, các quan điểm khác nhau của nhiều tôn giáo nguồn gốc sinh ra từ đâu và chết rồi đi đâu như sau:
Những người tôn thờ chủ nghĩa duy vật thì cho rằng con người đến từ vật chất và chỉ sống duy nhất một đời hiện tại. Sau cái chết sẽ không còn gì nữa nên họ sống hưởng thụ không quan tâm gì đến đạo đức, bởi có gây ra tội ác hay sống thiện lành, sau cùng cũng đi đến sự chấm dứt là cái chết. Chết là hết thì cần gì phải lo.
Ở nước Ấn Độ cổ xưa, người ta tin rằng bên trong thể xác con người có linh hồn trường cửu. Sau khi chết tiểu ngã hay tiểu hồn của họ sẽ hoà nhập vào đại ngã Phạm Thiên. Để đạt mục đích đó, ở Ấn Độ có pháp môn tu khổ hạnh là pháp tu hành hạ thân xác. Họ cho rằng càng khổ hạnh nhiều chừng nào thì càng sớm đạt được thượng tâm. Đức Phật cũng đã từng tu theo pháp môn khổ hạnh này 6 năm dài, thượng tâm thượng trí Niết Bàn đâu không thấy, chỉ thấy suýt chút nữa thì mất mạng nếu không nhờ nữ mục đồng cứu sống bằng một chén sữa cừu.
Tiếp theo về đề tài con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu, ngoài hai quan điểm trên thì theo các nhà tôn giáo theo thần quyền thì cho rằng con người là sản phẩm của Thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao, toàn năng, toàn quyền chẳng những tạo ra con người mà còn sáng tạo cả thế gian, vũ trụ. Con người sau khi chết chỉ có hai cảnh giới để đến. Đó là được lên Thiên đàng nếu ai tin và nghe theo lời dạy của Thượng đế. Ngược lại kẻ nào thắc mắc không đặt trọn vẹn đức tin vào Kinh Thánh thì bị xem là con chiên lạc đàn, sau khi chết sẽ bị đày xuống hoả ngục và bị thiêu rụi đời đời.
Còn theo quan điểm của Phật giáo về con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu thì sẽ như thế nào? Là người Phật tử chúng ta đã học qua "Tiến Trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca". Trong đêm cuối của tuần lễ thứ Tư là đêm Bồ Tát thành đạo. Vào canh Một, Ngài chứng quả Túc Mạng Minh, đạt Trí tuệ hiểu biết về quá khứ nhiều đời nhiều kiếp của chính Ngài. Canh thứ Hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, đạt được Trí tuệ hiểu biết về sự luân hồi sinh tử của chúng sanh nhiều đời nhiều kiếp là do Nhân Quả nghĩa là đời quá khứ họ tạo Nhân xấu thì đời này họ sẽ thọ Quả xấu, nếu đời quá khứ họ sống thiện lương thì đời này họ hưởng Quả tốt. Canh thứ Ba, Ngài chứng Lậu Tận Minh, là Trí tuệ biết rõ nguyên nhân của luân hồi sanh tử là lậu hoặc. Lậu hoặc là những thói quen, những đam mê huân tập từ nhiều đời quá khứ cho đến hiện tại và tiếp diễn trong nhiều đời ở tương lai. Lậu hoặc cũng có nghiệp tốt và nghiệp xấu nhưng đa phần là xấu ác khiến cho con người cứ phải luân hồi sanh tử.
Qua sự chứng ngộ ba Minh của Đức Phật, cho thấy cái chết của chúng sanh không phải là dấu chấm hết. Cái chết chỉ là sự bắt đầu cho một sự sống mới. Sự sống đó được mô tả qua thuyết "Thập Nhị Nhân Duyên" hay thuyết "Nhân Quả".
Vừa rồi lamnguoi.net điểm qua 4 quan điểm về con người sinh ra từ đâu đến và chết đi về đâu, chắc các bạn cũng hình dung ra và có sự hiểu biết của riêng mình về các quan điểm tôn giáo về sự sinh ra và chết đi về đâu của con người. Chúc các bạn có nhiều thông tin hữu ích về chủ đề này.
Hector Tran, Nghiên cứu từ phật giáo và biên tập lamnguoi.net